Bắt giữ hàng tấn nầm lợn, trứng gà non bốc mùi hôi thối, ăn phải có sao?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nội tạng động vật không có lợi cho sức khoẻ. Các nước châu Âu chỉ sử dụng ruột non làm xúc xích còn lại chế biến thành thức ăn chăn nuôi mà không dùng làm thức ăn cho người...
Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vừa qua các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều tấn thực phẩm nội tạng động vật không nguồn gốc bốc mùi hôi, thối.
Khoảng 13 giờ chiều ngày 24/12, Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp cùng Đội 2 Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Công an phường Đồng Xuân - Hoàn Kiếm kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh động vật tại 46 Trần Nhật Duật do ông N.B.T (SN: 1985, quê Nhuế Dương, Khoái Châu, Hưng Yên) làm chủ.
Lực lượng liên ngành đã bắt giữ hàng tấn nầm lợn bốc mùi
Đây là hoạt động nằm trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tại cơ sở kinh doanh, đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ nửa tấn nầm lợn không có hoá đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng đang trong tình trạng phân hủy, bốc mùi hôi thối, nấm mốc.
Chủ cơ sở kinh doanh T. khai nhận, sản phẩm được thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó, bán lại cho các quán ăn, lẩu nướng tại Hà Nội để kiếm lời. Tổ công tác đã tiến hành thu giữ toàn bộ hàng hoá liên quan và tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Trước đó, khoảng 11h30' ngày 14/12, Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp cùng Đội 9 Cục Quản lý thị trường Hà Nội, kiểm tra xe ô tô BKS 29H 178.14 do L.V.L (SN: 1989 ở Nghiêm Xuân Yên huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang dừng đỗ ở trước số nhà 50, ngõ 28, Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 1. 000kg nầm lợn và 840kg trứng gà non bao bì có in chữ nước ngoài nhưng không có hoá đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng đang trong tình trạng phân huỷ, bốc mùi hôi thối.
Nội tạng động vật bốc mùi trên đường đi tiêu thụ
Làm việc với Đoàn kiểm tra, đối tượng L.V.L khai nhận đang đi giao cho khách khách hàng là các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thành phố.
Tổ công tác đã tiến hành thu giữ toàn bộ hàng hoá liên quan và tiến hành tiêu huỷ, đồng thời xử lý hành vi vi phạm của đối tượng theo qui định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, cơ quan nội tạng thường được thu mua từ hai nguồn: tại các chợ ở Việt Nam và từ Trung Quốc.
Nội tạng là thương phẩm của ngành giết mổ bao gồm nội tạng của lợn, một ít của gia cầm (chủ yếu của gà) và trâu bò. Khi thương lái đi thu mua thì bản thân nội tạng đã có mùi không ngon.
Trong quá trình bảo quản nội tạng là bộ phận chứa nhiều chất bẩn mặc dù người ta có thể làm sạch phân đi nhưng nó vẫn có mùi, vẫn chứa nhiều vi sinh vật.
“Về mặt nguyên tắc là không nên ăn nội tạng. Vì nội tạng chứa nhiều Cholesterol, đây là chất không tốt ngay cả đối với người bình thường nhưng với người dân Việt Nam đây được xem như món ăn khoái khẩu.
Trên thực tế món này không có lợi cho sức khoẻ. Các nước châu Âu chỉ sử dụng ruột non làm xúc xích còn lại chế biến thành thức ăn chăn nuôi mà không dùng làm thức ăn cho người”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Ông cũng nhấn mạnh, người dân ăn những loại thực phẩm này nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng (trong ruột lợn, gà) rất lớn. Chưa kể trong quá trình bảo quản không tốt thì quá trình ấy vi sinh vật sẽ nhân lên rất nhiều.
"Vì nó có sẵn rồi thì sẽ cứ thế phát triển. Trong quá trình đông lạnh, trong quá trình di chuyển trên đường thời tiết nóng lên, nhiệt độ không đảm bảo…thì cũng là những yếu tố vi sinh vật phát triển. Cho nên ăn những đồ này không tốt chút nào”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, thực phẩm đông lạnh được tẩy sạch nếu nấu chín thì ký sinh trùng, vi sinh vật cũng hết nhưng quan trọng nhất là độc tố do vi sinh vật còn lại trong đó nếu người tiêu dùng ăn phải thì rất dễ nhiễm độc – ngộ độc thực phẩm. Biểu hiện của tình trạng này là nôn, ói, đi ngoài…
Do đó, một lần nữa, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng người dân không nên ăn nội tạng động vật. Đặc biệt đối với những tiểu thương đi buôn mặt hàng này, ông cũng khuyên “không nên chút nào” vì “sớm muộn thì cũng bị cơ quan chức năng - công an, thị trường bắt giữ, tiêu hủy”.
N. Huyền
Tags:nội tạng động vật
thức ăn chăn nuôi
Tin cùng chuyên mục