12/09/2021 20:43

Bức thư của trùm khủng bố gửi nước Mỹ khiến Washington rúng động, lạnh gáy

Bức thư của trùm khủng bố Bin Laden đã khiến Washington lạnh gáy. Vụ tấn công khủng bố 11/09 không chỉ gây choáng váng cho nước Mỹ mà còn làm cả thế giới sửng sốt.

VÌ SAO AL QAEDA TẤN CÔNG KHỦNG BỐ NƯỚC MỸ?

Trong bức thư gửi nước Mỹ vào năm 2002, trùm khủng bố Osama bin Laden tuyên bố vụ tấn công ngày 11/9/2001 nhằm đáp trả việc Washington hậu thuẫn cho các cuộc tấn công vào người Hồi giáo.

Ngày 11/9/2001, 19 tay súng thuộc nhóm khủng bố al Qaeda đã cướp 4 máy bay chở khách và thực hiện cuộc tấn công liều chết nhắm vào các mục tiêu ở Mỹ. Hai trong số bốn máy bay đã đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới ở New York.

Chiếc thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc và chiếc thứ 4 rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania - sau cuộc nỗi dậy của các hành khách khiến mục tiêu của bọn khủng bố không đạt được.

Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Vụ tấn công không chỉ gây choáng váng cho nước Mỹ mà còn khiến cả thế giới sửng sốt.

Bức thư của trùm khủng bố gửi nước Mỹ khiến Washington rúng động, lạnh gáy

Thành phố New York và tào tháp đôi WTO trước vụ 11/9.

Trả đũa nước Mỹ

Trong "Bức thư gửi Mỹ" vào tháng 11/2002 của Osama bin Laden, thủ lĩnh tổ chức khủng bố al Qaeda viết rằng "động cơ của al Qaeda trong cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ gồm, đáp trả việc phương Tây tấn công người Hồi giáo ở Somalia, ủng hộ cho các hành động tàn bạo của Nga chống lại người Hồi giáo ở Chechnya.Sự đàn áp đối với người Hồi giáo ở Kashmir. Sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel ở Lebanon, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Saudi Arabia và các lệnh trừng phạt chống lại Iraq".

Trùm khủng bố bin Laden nói rằng sự bành trướng của Israel là một trong những tội ác lớn nhất. Trong năm 2004 và 2010, bin Laden một lần nữa nhắc lại mối liên hệ giữa vụ tấn công ngày 11/9 và sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel.

Ngoài ra, bin Laden còn than thở về cái mà hắn gọi là "hành vi vô đạo đức của Mỹ" là một yếu tố thúc đẩy hắn quyết định tiến hành vụ tấn công.

Trùm khủng bố viết tiếp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất là một lý do khác để giết người Mỹ.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Saudi Arabia được trùm khủng bố xem là "mối đe dọa đối với thế giới Hồi giáo". Saudi Arabia có nhiều địa điểm linh thiêng đối với người Hồi giáo, bao gồm hai thánh địa Mecca và Medina.

Gã trùm khủng bố cho rằng nhiều người Hồi giáo khó chịu với sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ, đó là một trong những động lực để hắn khởi động vụ tấn công ngày 11/9.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Rahimullah Yusufzai của Pakistan, bin Laden nói rằng hắn cảm thấy người Mỹ ở quá gần Mecca và coi đây là một hành động khiêu khích với thế giới Hồi giáo.

Bức thư của trùm khủng bố gửi nước Mỹ khiến Washington rúng động, lạnh gáy

Trùm khủng bố Osama bin Laden

Những lý do khác

Một số nhà phân tích chính trị đã suy đoán về động cơ khác trong vụ tấn công khủng bố của al Qaeda, chẳng hạn như chống lại toàn cầu hóa và khiêu khích nước Mỹ.

Một số nhà phân tích khác nói rằng có động cơ tôn giáo trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Ông Daniel Benjamin và Steven Simon, tác giả cuốn sách The Age of Sacred Terror (Kỷ nguyên khủng bố thần thánh) cho rằng vụ khủng bố ngày 11/9 hoàn toàn là động cơ tôn giáo.

Vụ việc được xem là một bí tích nhằm khôi phục cho một vũ trụ đạo đức đã bị kẻ thù của Hồi giáo làm băng hoại. Nó không mang tính chính trị hay chiến lược, mà là một hành động cứu chuộc nhằm làm bẽ mặt và tàn sát những kẻ bất chấp quyền bá chủ của Đức Chúa Trời.

Bernard Lewis, nhà sử học người Mỹ gốc Anh, cho rằng vụ tấn công thể hiện sự bất mãn đối với vấn đề toàn cầu hóa, cứu rỗi cho sự suy tàn của Đế chế Ottoman hùng mạnh một thời. Ông Lewis lập luận rằng trong 3 thế kỷ qua, thế giới Hồi giáo đã mất đi sự thống trị và sự lãnh đạo của họ, đồng thời tụt hậu quá nhiều so với phương Tây và phương Đông.

Khoảng cách này ngày càng gia tăng đặt ra những vấn đề ngày càng gay gắt cả về thực tế và tình cảm mà các nhà cầm quyền, nhà tư tưởng và phiến quân Hồi giáo chưa tìm ra câu trả lời.

Một số học giả khác cho rằng al Qaeda muốn thông qua vụ khủng bố để kích động chiến tranh với Mỹ, tạo đòn bẫy cho cuộc cách mạng Hồi giáo.

Michael Scott Doran, nhà phân tích chính trị chuyên về Trung Đông, lập luận rằng những người theo phe bin Laden tự coi mình là "hòn đảo của những tín đồ chân chính" bị bao quanh bởi một biển tội ác.

Ông Doran lập luận thêm bin Laden hy vọng rằng sự trả đũa của Mỹ sau vụ khủng bố sẽ đoàn kết những người trung thành chống lại phương Tây, châm ngòi cho cuộc cách mạng ở các quốc gia Arab.

TỔN THẤT KINH HOÀNG CỦA NƯỚC MỸ TRONG VỤ TẤN CÔNG KHỦNG BỐ 11/09/2001

2.977 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương. Sự kiện ngày 11/9/2001 trở thành cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.

Sáng ngày 11/9/2001, nước Mỹ cũng như toàn thế giới choáng váng trước vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO). 19 tên không tặc chia thành 4 nhóm cướp 4 máy bay.

Hai chiếc đâm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO). Một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc. Chiếc còn lại rơi xuống cánh đồng ở thị trấn Stonycreek, hạt Somerse, Pennsylvania. Đây cũng là chiếc máy bay duy nhất không đạt tới mục tiêu dự kiến của nó, có thể là Điện Capitol hoặc Trại David.

Bức thư của trùm khủng bố gửi nước Mỹ khiến Washington rúng động, lạnh gáy

Đối với chuyến bay số 93, toàn bộ 44 người trên máy bay thiệt mạng và không có ai trên mặt đất bị thương.

Tổn thất về người

Ngay khi chuyến bay số 11 đâm vào tháp Bắc, WTO, toàn bộ 92 người trên máy bay thiệt mạng. 1.402 người bên trong tháp Bắc chết do ảnh hưởng trực tiếp từ vụ nổ. Người ta ước tính có khoảng 16.000-18.000 người đang ở bên trong WTO thời điểm xảy ra vụ khủng bố.

Sau vụ tấn công đầu tiên ở tháp Bắc, khoảng 8.000 người đã được sơ tán khỏi WTO. Ở thời điểm đó, hầu hết tòa nhà cao tầng ở Mỹ không được thiết kế để sơ tán hoàn toàn số người bên trong trước một cuộc khủng hoảng.

Những người bên trong các tòa nhà cao tầng được khuyến cáo ở yên tại chỗ trong các vụ hỏa hoạn, trừ khi họ ở gần khu vực cháy. Việc sơ tán số lượng lớn người bên trong WTO sau vụ không tặc đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn.

Cú đâm trực diện của chiếc máy bay có sải cánh dài 48,5 m, cùng lượng nhiên liệu lớn bên trong tạo nên quả bom khổng lồ cắt đứt một phần lớn ở tầng 80 của tòa nhà cao 110 tầng. Các tầng phía trên bị cô lập hoàn toàn và việc sơ tán gần như không thể thực hiện được.

Trong khi việc sơ tán người trong tháp Bắc đang diễn ra thì chiếc máy bay thứ hai đâm vào tháp Nam khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Cú đâm trực diện của chiếc Boeing 767-200 khiến toàn bộ 65 người trên máy bay thiệt mạng ngay lập tức.

Việc có đến 2 chiếc máy bay đâm vào tháp đôi WTO khiến việc sơ tán người bên trong trở thành cuộc chiến giành giật sự sinh tồn giữa ranh giới mong manh. Sở Cứu hỏa New York đã triển khai 200 đơn vị, một nửa quân số của đơn vị đến WTO.

Sở Cảnh sát New York triển khai gần như toàn bộ nhân lực đến hiện trường để hỗ trợ sơ tán người bên trong WTO. Việc sơ tán gặp rất nhiều khó khăn do khói bụi mù mịt từ đám cháy phía trên cao khi máy bay đâm vào.

Khoảng 1 giờ 40 phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tháp Bắc, hai tòa tháp cao 110 tầng đã sụp đổ, chôn vùi mọi thứ bên trong đống đổ nát khổng lồ.

Bức thư của trùm khủng bố gửi nước Mỹ khiến Washington rúng động, lạnh gáy

Hai tòa tháp WTO cao 110 tầng đã sụp đổ trong vụ 11/9.

2.606 người đã thiệt mạng tại WTO, trong đó có 344 lính cứu hỏa, 71 nhân viên thực thi pháp luật. Tổn thất về nhân mạng ở WTO là nặng nề nhất trong vụ không tặc ngày 11/9/2001.

Trong vụ tấn công ở Lầu Năm Góc, 64 người trên máy bay và 125 người trên mặt đất thiệt mạng, 106 người bị thương. Đối với chuyến bay số 93, toàn bộ 44 người trên máy bay thiệt mạng và không có ai trên mặt đất bị thương.

Tổng số người thiệt mạng trong vụ không tặc ngày 11/9 lên đến 2.977 người, hơn 6.000 bị thương. Nhưng hậu quả của nó chưa dừng lại ở đó.

Khoảng 10.000 người bị các di chứng về sức khỏe do hít phải khói và bụi độc từ đám cháy của vụ đâm máy bay. Khoảng 2.000 người đã chết do mắc ung thư.

Hiệp hội lính cứu hỏa New York cho biết hơn 170 lính cứu hỏa chết do mắc ung thư và các bệnh liên quan đến sự kiện 11/9. Khoảng 1/8 lính cứu hỏa làm việc ở "Vùng Zero" (vùng trung tâm của vụ nổ) bị ung thư.

Tính đến năm 2008, 33.000 lính cứu hỏa, nhân viên cảnh sát, lực lượng ứng phó tại hiện trường gặp các di chứng về sức khỏe, bao gồm suy hô hấp và sức khỏe tâm thần. Đến nay, sự kiện 11/9 vẫn là vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.

Thiệt hại kinh tế

Một tuần sau vụ khủng bố 11/9, thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 1.400 tỷ USD. Thị trường chứng khoán thế giới cũng nhuốm sắc đỏ sau vụ tấn công. Các sàn giao dịch chứng khoán lớn như London và nhiều nơi khác đã đóng cửa và sơ tán nhân viên vì lo ngại khủng bố.

Tại New York 430.000 người mất việc làm do WTO sụp đổ, 2,8 tỷ USD tiền lương bị mất trong 3 tháng đầu tiên.

Khoảng 18.000 công ty và văn phòng đại diện bên trong WTO bị phá hủy hoặc phải di dời dẫn đến mất việc làm cho người dân New York. GDP của thành phố New York năm 2001 giảm tới 27,3 tỷ USD.

Chính quyền liên bang phải hỗ trợ khẩn cấp 11,2 tỷ USD cho New York để khắc phục hậu quả vụ không tặc. Ảnh hưởng kinh tế với New York nói riêng và nước Mỹ nói chung kéo dài nhiều năm sau đó.

Đối với lĩnh vực hàng không, vụ không tặc làm rắc rối thêm những khó khăn mà họ gặp phải trước đó. Nhu cầu đi lại bằng hàng không giảm mạnh do người dân lo ngại có thể xảy ra những vụ không tặc tiếp theo.

Chính phủ liên bang đã chi 10 tỷ USD bảo lãnh cho vay và 5 tỷ USD hỗ trợ trong ngắn hạn cho các hãng hàng không khôi phục hoạt động sau vụ không tặc.

Các công ty bảo hiểm phải chi trả tới 40 tỷ USD để bồi thường cho các nạn nhân của vụ khủng bố, đưa nó trở thành sự kiện được bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay.

Các khoản chi trả bảo hiểm gồm thiệt hại do gián đoạn kinh doanh 11 tỷ USD, tài sản 9,6 tỷ USD, trách nhiệm pháp lý 7,5 tỷ USD, bồi thường cho người lao động 1,8 tỷ USD và các khoản khác 2,5 tỷ USD.

Đến nay, sự kiện 11/9 vẫn là vụ khủng bố tổn thất nặng nề nhất cả về nhân mạng và kinh tế. Nó mở màn cho cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 2 thập kỷ, tiêu tốn của Mỹ hơn 6.000 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục