Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích không chỉ để phục hồi kinh tế mà còn phát triển xã hội
Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích không chỉ để phục hồi kinh tế mà còn phát triển xã hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi xây dựng chương trình khôi phục kinh tế cần chú trọng cả tổng cung lẫn tổng cầu, tức cả việc phục hồi, phát triển xã hội.
Đánh giá phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng "diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao", Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, với tinh thần cầu thị, trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi.
"Mỗi vấn đề đều có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý", ông Vương Đình Huệ nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn tại các Kỳ họp thứ 3, thứ 6 và thứ 10, đồng thời giải trình tại các Phiên họp về kinh tế - xã hội của các kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các trưởng ngành có liên quan, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý và chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, tập trung vào 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, ngay trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan của Quốc hội, giúp Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.
Chương trình phải gắn với nâng cao nội lực, tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với khuôn khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, phát triển kinh tế, xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 5 năm.
Theo ông Huệ, các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh, gói kích thích tới đây phải chú trọng cả vấn đề tổng cung và tổng cầu, không chỉ là phục hồi kinh tế mà còn phục hồi, phát triển xã hội. Chương trình cũng cần có lộ trình phù hợp, đồng thời cần có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và dẫn vốn được vào khu vực thực sự cấp bách, có khả năng hấp thụ vốn.
"Cần xây dựng những chương trình quản lý rủi ro đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực công khai, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Media Quốc hội
Thứ hai, về đầu tư công và các công trình quan trọng quốc gia,Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu với Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và của người đứng đầu; từ đó, có biện pháp quyết liệt giải quyết.
"Phấn đấu phân bổ và giải ngân năm 2021 đạt 90%. Phân bổ, giao vốn và giải ngân năm 2022 đạt được 100% dự toán do Quốc hội giao", ông Huệ nói.
Thứ ba, về một số thể chế, chính sách, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Chính phủ quyết liệt triển khai, nhanh chóng xây dựng các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Việc này phải đi trước một bước theo cam kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thời điểm hoàn thành nội dung này chậm nhất là ngày 31/12/2022. Trong đó, quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải xong trước tháng 12/2021.
Đồng thời, Bộ cần khẩn trương chủ trì, phối hợp cơ quan để trình Quốc hội xem xét kỹ đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng, dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công; tháo gỡ các điểm nghẽn cho đầu tư sản xuất kinh doanh trong một số luật và sửa một số luật sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Cuối cùng là việc chuẩn bị các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia thời gian tới cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng đúng quy trình, có ý kiến của cơ quan kiểm toán nhà nước. Những dự án trọng điểm quốc gia này cần phải được cân nhắc đến tính khả thi, nhất là vấn đề huy động vốn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế...
Thủ tục chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định pháp luật, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả.
Tuy nhiên, quy mô các chính sách hỗ trợ tương đối thấp, chỉ khoảng 4% tổng lượng GDP. Một số bộ ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, nhất là vốn ODA.
Ngoài ra, việc triển khai một số dự án quan trọng quốc gia bị chậm tiến độ, nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành và dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn I vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giải ngân chưa như mong muốn.
Tin cùng chuyên mục