Còn thương rau dại miệt đồng…
Rau muống đồng |
Những ngày nước lên, tôi cùng má bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển. Giữa bềnh bồng sóng nước, chiếc xuồng ba lá nhỏ chao nghiêng, sóng lớn như muốn nhấn chìm hai má con. Tiếng má nhắc từ mũi xuồng: “Ngồi yên, đừng có lắc, càng lắc là cái xuồng chìm luôn đó”. Nghe lời má, tôi chẳng dám nhúc nhích.
Tôi lẩm nhẩm bài hát về bông điên điển: “Với màu điên điển say mê/ Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/ Trót thương tình nghĩa vợ chồng/ Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/ Tình thương em khó mà lường”… “Đúng bài” thì bông điên điển phải nấu canh chua cùng cá linh non. Tô canh chua bông điên điển cá linh nghi ngút khói trong tiết trời ẩm ướt, chấm con cá linh vào chén nước mắm dầm ớt cay, húp chén canh chua… ai đã từng xa quê chỉ nghe thôi cũng thấy rưng rức trong lòng.
Sau cơn mưa nặng hạt, tôi hay bơi xuồng ra kênh hái rau muống đồng. Rau muống nổi trên mặt nước, rễ hút phù sa nên cọng no tròn cỡ ngón tay cái, ăn giòn rụm. Đọt rau muống hái về rửa sạch, ăn sống hoặc luộc chấm với cá kho, mắm kho, làm cho bữa cơm lúa mùa thêm ngon miệng. Rau muống cũng có thể dùng nấu canh chua cá.
Canh bông súng nấu với cá rô |
Ngoài bông điên điển, rau muống đồng, bà con vùng Đồng Tháp Mười còn mê loại bông súng ma chỉ có trong mùa nước lên. Dù mọc hoang, bông súng ma có nguyên tắc tồn tại riêng của mình. “Nàng tiên ruộng đồng” chỉ xuất hiện trong mùa nước lên, mực nước càng cao bông súng càng vươn mình ngoi lên, tỏa hương thơm ngát khắp đồng.
Cha tôi cùng mấy chú trong xóm hò nhau đi hái bông súng ma lúc sáng sớm. Hễ gặp cộng nào xanh non thì nhổ, làm sạch bùn đất. Cha cuốn khoanh tròn cọng súng đem về nhà. Má tôi bắt tay làm mấy món dân dã: bông súng nấu canh chua cá rô đồng, bông súng ăn sống chấm mắm kho, bóp xổi chấm cá kho, xào với tóp mỡ… Cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc mùa nước lên.
Hái bông súng ma cực mà vui |
Về miền Tây, len lỏi sâu vào các xóm nhỏ thân thương, hầu như chỗ nào cũng có đọt rau trai, đọt nhãn lồng. Chúng mọc hoang trong vườn, có khi mọc lan ra mé kinh, bờ ruộng. “Cá kho chấm đọt nhãn lồng/ Ngày má gả chồng con vẫn nhớ quê”. Đúng vậy, đọt nhãn lồng mà hái xong rửa qua nước để ráo, luộc chấm cá kho là hết sảy. Rau trai, đọt nhãn lồng kết hợp cùng nhau nấu một nồi canh tập tàng cùng mớ tép đồng hoặc cá rô mề cũng ngon lắm.
Rau dại miệt đồng là đặc sản trời ban cho người dân vùng Đồng Tháp Mười. Để rồi, người ở lại thì chung thủy một lòng, kẻ ra đi thì hoài niệm…
Diệp Linh
thương rau dại miệt đồng
Tin cùng chuyên mục