Cuộc sống mới từ phát huy cây trồng ‘cũ’
HTX mắc ca và kỳ vọng thoát đói nghèo ở Điện Biên
Tháng 5/2022, HTX Tâm Trà Thái (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã được nhận Giải thưởng của ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Theo đó, HTX Tâm Trà Thái được đánh giá là đơn vị có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn đặc sản địa phương, nghề thủ công truyền thống, tạo thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Xứng danh “thủ phủ” chè
Với mong muốn nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đồng thời tạo việc làm giúp người dân địa phương thoát nghèo, nhiều HTX ở Thái Nguyên đang không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP - hướng hữu cơ.
Tỉnh Thái Nguyên chú trọng vào đổi mới và phát triển hình thức liên kết trong sản xuất và chế biến tiêu thụ chè. toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, 77 HTX (Ảnh: Int) |
Thái Nguyên hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè, khoảng 22,7 nghìn ha và sản lượng thu hoạch trên 244,5 nghìn tấn với các trọng điểm sản xuất chè sạch như: Sông Công, Phú Lương, Tân Cương, Đại Từ, Cao Sơn, Đồng Hỷ... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề trồng chè và chế biến chè đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho tỉnh Thái Nguyên. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo và có cơ hội làm giàu nhờ có cây chè.
Tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng vào đổi mới và phát triển hình thức liên kết trong sản xuất và chế biến tiêu thụ chè. Cụ thể, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, 77 HTX, 230 làng nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ chè Thái Nguyên.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, hầu hết diện tích chè ở Thái Nguyên được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn. Nhiều HTX đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè VietGAP - hướng hữu cơ.
Theo đại diện Hội Chè Thái Nguyên, để giúp các HTX sản xuất chè tại Thái Nguyên tiếp cận và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường nước ngoài thì việc kiểm soát vùng nguyên liệu, quá trình canh tác và thu hái là điều kiện cần thiết.
Sản phẩm chè của các HTX được trồng và chăm sóc tự nhiên theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ theo quy trình kỹ thuật liên hoàn nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là dùng thuốc thảo mộc và phân bón hữu cơ.
Ngoài ra, chè xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường hoặc đối tác còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn chính như ISO, hữu cơ, các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn về bền vững và trách nhiệm xã hội như RFA, UTZ, Fair Trade…
Nâng giá trị với gắn sao OCOP
Một điển hình về tạo dựng thương hiệu chè Thái Nguyên là HTX Trà Cao Sơn, xã Bình Sơn, TP. Sông Công.
Sau 3 năm thành lập (8/2019) với nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến quản lý hoạt động, HTX đã xây dựng được thương hiệu với 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo bà Lê Thị Quang, thành viên của HTX Trà Cao Sơn, hiện nay, giá chè búp khô của gia đình bà đang bán vào khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Trung bình một năm, gia đình bà Quang thu lãi hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí, giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Những năm qua, việc chuyển đổi, thay thế diện tích chè truyền thống bằng các giống chè có năng suất chất lượng cao đã giúp người dân HTX Trà Cao Sơn thu lợi lớn từ cây chè, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Việc áp dụng phương thức sản xuất mới theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ giúp ổn định năng suất và nâng cao chất lượng chè hơn. Mức giá bán chè búp khô cao hơn từ 150.000-200.000 đồng so với trước.
Theo Giám đốc HTX Cao Sơn Phạm Văn Tiến, hơn 1 năm qua, nhờ áp dụng sản xuất chè theo hướng hữu cơ nên sản phẩm chè ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX Cao Sơn lên tới hơn 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn 15 triệu đồng so với thời điểm chưa có HTX.
Hiện, HTX có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (năm 2020 có 3 sản phẩm chè Đinh, chè Tôm nõn, chè Móc câu; năm 2021 có thêm 3 sản phẩm bột trà xanh Matcha, trà Hương Sen, trà đặc sản Cao Sơn).
Ngoài ra, các sản phẩm trà của HTX đã đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
HTX đang đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng 300m2 nhà xưởng sao chè và tiếp tục duy trì sản xuất chè theo quy chuẩn hữu cơ trong năm 2022. Đồng thời, mở rộng vùng sản xuất thông qua việc liên kết các hộ làm chè trên địa bàn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên.
Có thể thấy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh xây dựng mô hình thương hiệu chè OCOP gắn với trải nghiệm du lịch nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như, TP Thái Nguyên đến nay đã có 27 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có tới 26 sản phẩm thuộc nhóm chè, 1 sản phẩm Du lịch văn hóa dân tộc Tày Bản làng Thái Hải. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao (chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt); 22 sản phẩm đạt 4 sao; 4 sản phẩm đạt 3 sao.
Năm 2022, TP Thái Nguyên có 9 sản phẩm (đều thuộc nhóm sản phẩm chè) của 6 đơn vị đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương có 3 sản phẩm gồm: Chè móc câu, chè đinh và kẹo lạc chè xanh; Công ty CP Nông sản Thái Nguyên có 2 sản phẩm gồm: Bộ sản phẩm trà túi lọc Ngũ trà, Trung du trà.
Các sản phẩm còn lại của 4 đơn vị, gồm: HTX trà xanh Thái Nguyên, ở phường Phan Đình Phùng (với sản phẩm Bảo Ngọc Trà); HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (với sản phẩm Nhất Tâm Trà); HTX chè Kim Thoa, ở xã Phúc Xuân (sản phẩm Đinh Đinh Trà); HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, ở xã Tân Cương (sản phẩm Dương Trà).
TP Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tổ chức xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị hồ sơ, thủ tục liên quan trình cơ quan chức năng chấm điểm, thẩm định…
Minh Đức
Tags:chè Thái Nguyên
sản phẩm OCOP
xóa đói giảm nghèo
giảm nghèo
HTX chè
Tin cùng chuyên mục