Đám tang Minh Thuận: “Hạnh phúc” một tang gia! đám tang sao việt
Đọc câu chuyện “Hạnh phúc một tang gia” trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, tôi mới thấy giờ đây nó ứng với câu chuyện đám tang của nghệ sĩ nói chung và Minh Thuận nói riêng. Khi sự ra đi của một người trở thành trò mua vui thỏa mãn tính tò mò và vô ý thức của một đại bộ phận con người. Thật chỉ muốn thốt lên bốn chữ: lố bịch, kệch cỡm!
Trong đám tang Minh Thuận hình thành rõ ràng hai sắc thái của hai nhóm người đối lập nhau. Một nhóm đang buồn, đang khóc, đang hụt hẫng vì sự ra đi của một nghệ sĩ hiền lành, tài hoa. Đó là ai? Là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những fan thực thụ của Minh Thuận. Hình ảnh người cha già cứ lặng lẽ đi tới đi lui cố nén những giọt nước mắt vào lòng để con trai được ra đi thanh thản. Hình ảnh một người mẹ nuôi nước mắt lã chã và liên tục lấy khăn lau đi những giọt lệ đau xót. Hình ảnh những người đồng nghiệp tất tả đến gặp người bạn của mình lần cuối mặc mưa to gió lớn. Hình ảnh những đứa con nuôi trích khăn tang cho người ba nuôi đầy tình thương vừa nhắm mắt xuôi tay. Một không khí ảm đạm, tang thương mà phủ trùm trong ngôi nhà của người nghệ sĩ quá cố. Ai có thể không đau lòng trước những hình ảnh đó?
Vậy mà ở phía bên ngoài kia, một nhóm khác lại đang nhìn, đang xem, đang trực chờ đưa máy ảnh để chụp sao đến dự đám tang. Họ thản nhiên nở nụ cười môt cách thoải mái. Họ giẫm đạp, chen chút và cãi vã giành một vị trí tốt để ngắm, để lôi kéo người nổi tiếng đến chụp ảnh, xin chữ kí và hồ hởi khoe với nhau. Khi bị lực lượng an ninh nhắc nhở thì họ phản ứng dữ dội như bị đụng chạm đến quyền lợi đáng được hưởng: “Coi chút xíu mà làm dữ vậy?”, “Lối đi chung, đứng chút có ảnh hưởng gì?” Thế đó, khi bên trong người quá cố còn nằm đấy chưa kịp mồ yên mả đẹp, tiếng khóc than não ruột xót xa thì bên ngoài bao người đua nhau vui vì thỏa mãn được sự hiếu kì, tò mò. Người ta vẫn hay nói với nhau: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng cái “nghĩa tận” ấy cũng bị xao lãng đi trong phút chốc chỉ vì sự vô ý thức của quá nhiều người.
Có lẽ, khi xem những bài báo viết, những hình ảnh minh chứng cho sự vô cảm, thiếu tình người của những người dân kéo đến đám tang của Minh Thuận, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên và buông ra những lời chửi thầm khe khẽ. Nhưng với những phóng viên hiện trường như chúng tôi thì nó chẳng còn lạ lẫm gì nữa. Cứ mỗi tang lễ nghệ sĩ và càng nổi tiếng thì những cảnh tượng đó lại càng rõ mồn một. Tôi còn nhớ trong đám tang của nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Khi nghệ sĩ đến viếng cũng là lúc giữa khuya vậy mà vẫn có hàng đống khán giả chầu trực để tíu tít chụp ảnh với nụ cười không ngớt trên môi. Rồi đến đám tang nam diễn viên Duy Nhân, người dân reo hò vỗ tay rần rần khi danh hài Hoài Linh xuất hiện. Họ xô nhau đến gần như té ngã chỉ để được nắm cái áo, bắt cái tay của danh hài nổi tiếng. Danh hài Hoài Linh khi đó phải lên tiếng xin họ hãy tôn trọng người quá cố. Ngày an tang Duy Nhân, một số khác kéo đến càng đông hơn. Họ không mong xem người nổi tiếng vì đã xem chán chê. Họ đến vì truyền tai nhau tin đồn: “Vợ Duy Nhân đẹp hơn Hoa hậu, xem coi đúng không?” Đằng sau những đôi mắt sưng húp khóc thương người quá cố thì vẫn có những đôi mắt mở to để quan sát, điểm danh sao đến dự đám tang và hóng hớt chuyện này chuyện nọ. Phải chăng khi xã hội ngày càng văn minh thì cái tình người tối thiểu trong cuộc sống ngày càng mất đi ở con người là đây mặc báo chí cứ lên án nhắc nhở đến chán chê mê mỏi?
Đám đông tụ tập gây náo loạn, mất trật tự khiến người nhà nghệ sĩ vừa qua đời không kịp có đối sách thì nạn trộm cắp, những kẻ thừa cơ làm bậy cũng ùa nhau đến như đi hội. Chúng chỉ trực chờ giới phóng viên, nghệ sĩ, khách đến viếng sơ hở là ra tay. Sau khi an tang người quá cố, những người ở lại phải xử lí tiếp tình huống bất đắc dĩ là mất điện thoại, mất ví tiền và hàng ngàn thứ mất khác.
Không chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ đều hiểu và cảm thông với sự tò mò, hiếu kì của một bộ phận khán giả thường ngày ít có cơ hội gặp gỡ nghệ sĩ. Tuy nhiên, chúng ta có thể xin chụp ảnh, chữ kí của nghệ sĩ ở một sân khấu, một tụ điểm ca nhạc nào đó. Các nghệ sĩ cũng đâu quá khó tính đến mức từ chối một lời yêu cầu thịnh tình và tình yêu mến của khán giả. Còn đám tang nghệ sĩ quá cố là nơi để gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp trút cạn nỗi lòng, sống trọn cảm xúc cùng người quá cố thì hãy để nó được diễn ra an bình và trọn vẹn nhất.
Hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình Minh Thuận, Wanbi Tuấn Anh hay Duy Nhân, bạn có chấp nhận được sự thiếu tôn trọng, cười cợt của người khác khi con, chồng, cha của họ vừa qua đời hay không? Muốn người khác tôn trọng mình thì trước tiên phải tự trọng từ những ứng xử đơn giản nhất. Tôi không biết những người dân bị chụp được khoảnh khắc đang cười đùa, giơ tay múa chân, lôi kéo nghệ sĩ chụp ảnh sẽ hạnh phúc thỏa mãn đến mức nào? Nhưng chắc chắn rằng, người thân của họ hẳn không biết lấy gì che mặt trước ánh nhìn coi thường của người khác vì lịch sự tối thiểu nhất của một con người mà không học được.
>> Xem thêm: Tin tức sao việt mới nhất
đám tang sao việt
Tags:Ngôi sao
đám tang sao việt
minh thuận
đám tang minh thuận
sao viet
Tin cùng chuyên mục