Dính buồng tử cung tưởng có bầu: Dấu hiệu dễ nhầm lẫn
Chị Phùng Hương Ly (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị lấy chồng được một thời gian thì có thai nhưng không may thai chết lưu phải đi hút bỏ. Sau đó khoảng một năm thấy mình bị tắt kinh, chị đã tin rằng mình có thai lại. Tuy nhiên khi đi siêu âm và khám, bác sĩ thông báo chị bị dính buồng tử cung khiến chị vô cùng sốc và lo lắng.
Một trường hợp khác, chi Lê Hoa Mai (Sơn Tây, Hà Nội) tâm sự, chị kết hôn gần 3 năm chưa có con. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm đó vì nghĩ rằng chu kỳ kinh nguyệt thất thường và hay bị viêm nhiễm vùng kín nên chị ngại không dám đi kiểm tra. Thời gian sau, thấy mình có dấu hiệu khác lạ, giống các biểu hiện của mang thai nên chị đã vui mừng đi thăm khám. Kết quả, bác sĩ chuẩn đoán bị chị bị lao sinh dục, dẫn đến buồng tử cung bị dính, nên không thể có con được.
Giải thích về sự nhầm lẫn này, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương cho rằng, khi buồng tử cung bị dính lại, sẽ không có chỗ cho niêm mạc mọc nên sẽ không có kinh dù cơ thể vẫn báo những triệu chứng như tức ngực, mệt mỏi, khó chịu…
Đó chính là lý do khi kinh nguyệt bất thường vì dính buồng tử cung, nhiều chị em dễ nhầm lẫn mình có thai mà không nghĩ đến trường hợp bị bệnh. Việc phát hiện bệnh cũng khó khăn vì đa phần các dấu hiệu bên ngoài không khẳng định đúng bệnh mà phải căn cứ vào kết quả chụp X quang.
Dính buồng tử cung là gì?
Theo bác sĩ Thành, dính buồng tử cung được hiểu là hiện tượng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào với nhau do lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương sâu. Điều này ngăn chặn sự tái tạo bình thường của nội mạc tử cung, làm ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của trứng sau khi thụ thai. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng vô sinh ở nữ giới.
Tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ, tuy nhiên đây cũng là cơ quan dễ bị tổn thương nhấtNguyên nhân gây dính buồng tử cung
Theo bác sĩ Thành, có nhiểu nguyên nhân gây dính buồng tử cung như chủ yếu là do việc can thiệp các biện pháp thủ thuật đến buồng tử cung như:
- Nạo hút thai: đa số những bệnh nhân bị dính buồng tử cung đều do nạo, hút thai, hoặc nạo hút nhau thai sau sinh, do sẩy thai,… Trong quá trình thực hiện các thủ thuật này, bác sĩ thường cố gắng làm sạch bên trong nhưng có thể vô tình làm cho lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu.
- Do thực hiện các thủ thuật liên quan đến buồng tử cung: các thủ thuật như bóc tách trong tử cung, trị xạ cục bộ, cắt nội mạc tử cung bằng điện, vi sóng trong tử cung,… gây tổn thương lớp niêm mạc cũng có thể dẫn đến dính buồng tử cung.
- Viêm nhiễm: viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm kết hạch hoặc viêm nhiễm hậu sản,… cũng vô tình gây nên dính buồng tử cung.
Điều trị dính buồng tử cung như thế nào?
Hầu hết chị em bị bệnh đều lo lắng “dính buồng tử cung có chữa được không?”. Theo bác sĩ Thành, hiện nay với sự phát triển của phác đồ hiện đại cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị tối tân, bệnh đã có thể được điều trị dứt điểm bằng phương pháp phẫu thuật.
Điều trị dính buồng tử cung bằng cách tách phần dính để tái tạo lại buồng tử cung. Tiếp đến, đặt một vách ngăn vào giữa hai mặt tử cung để ngăn chặn hai thành tử cung dính lại với nhau.
Tùy vào tình trạng dính mà cách xử trí khác nhau, tình trạng dính nhẹ và tổn thương nhỏ càng điều trị dễ dàng. Đối với tình huống buồng tử cung bị dính có viêm nhiễm, chị em được chỉ định điều trị dứt điểm viêm nhiễm trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, khi phát hiện bản thân có những biểu hiện khác lạ, chị em không nên lo lắng mà hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân, chẩn đoán chính xác tình trạng để có hướng xử trí kịp thời. Việc để bệnh kéo dài sẽ gây khó khăn trong điều trị, thậm chí nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thúy Ngà
Tags:dính buồng tử cung
nhầm tưởng có thai
Điều trị dính buồng tử cung
dính buồng tử cung nguy hiểm không
Tin cùng chuyên mục