Giỡn mặt tử thần: Chửi nhân viên gác chắn để cố vượt qua đường ray
(Dân trí) - Nhân viên gác chắn bất lực khi nhiều người dân vẫn cố lách qua đường ray, đùa giỡn với "tử thần" dù đã bật chuông cảnh báo tàu hỏa, kéo ngang hàng rào barie.
Những ngày đầu năm, 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội, một lần nữa cảnh báo tình trạng mất an toàn tại khu vực đường sắt giao với đường dân sinh, các lối đi tự mở.
Cụ thể, ngày 28/1, tàu khách Thống Nhất SE5 đâm va xe đầu kéo tại lối mở Km28+800, đoạn qua xã Văn Tự, huyện Thường Tín. Vụ tai nạn khiến nữ nhân viên gác chắn bị thương; đầu máy tàu hư hỏng, phải thay thế để tiếp tục hành trình sau 3 tiếng dừng giải quyết tai nạn.
Tối 29/1, tàu SE36 chạy qua địa phận huyện Thanh Trì, đã va chạm với ô tô con khiến chiếc xe biến dạng phần đầu, barie cảnh báo bị gãy.
Đêm 4/2, tại Km8+050 đoạn ngõ 268 đường Ngọc Hồi, tàu hỏa đang di chuyển về ga Giáp Bát theo lịch trình thì bất ngờ xuất hiện một xe máy lưu thông từ đường Ngọc Hồi chạy cắt ngang, khiến lái tàu không kịp phản ứng dẫn tới va chạm.
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại ga chắn đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai), mỗi ngày hàng trăm phương tiện và người dân lưu thông qua đường tàu.
Tuyến đường sắt đoạn qua đường Giải Phóng và Ngọc Hồi xuất hiện nhiều đường ngang dân sinh. Những lối đi tự phát, không còi, không đèn cảnh báo và không người trông. Những tấm biển "chú ý tàu hỏa" không đủ chức năng cảnh báo, thậm chí còn bị người dân viết đè lên thông tin quảng cáo.
Biển cảnh báo hoen gỉ không rõ chữ trên đường Giải Phóng.
Theo quy định của Cục Đường sắt Việt Nam, trước khi qua đường sắt, người dân cần giảm tốc độ phương tiện và dừng lại; quan sát tàu hỏa từ hai phía; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của nhân viên gác chắn và các biển cảnh báo.
Đường ngang dân sinh trên đường Ngọc Hồi được bố trí nhiều tín hiệu cảnh báo tàu đến như đèn bật, cần chắn tự động hạ.
Tuy nhiên, tại nhiều khu vực khác, rào chắn tàu hỏa được dựng lên tạm bợ, các phương tiện vẫn có thể dễ dàng "vượt rào".
Học sinh di chuyển qua đường ngang giao cắt đường bộ - đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo quy định, trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên phải hạ barie để ngăn người dân và phương tiện đi vào, tuy nhiên nhiều người cố lách qua thật nhanh.
Không ít trường hợp coi thường tính mạng, đùa giỡn với "tử thần" khi tàu hỏa đang đến rất gần.
Hơn 10 năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Huyền, nhân viên gác chắn Linh Đàm, cho biết tình trạng người dân cố tình vượt rào tàu hỏa diễn ra thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, dù chị cùng đồng nghiệp đã đóng rào chắn, song nhiều người vẫn tìm cách vượt qua, biện minh rằng "do vội quá".
"Tôi từng chứng kiến người dân chở hàng cồng kềnh giữa trời mưa, cố lách qua chắn đường tàu dẫn đến bị ngã. Lúc này, tàu đang đến rất gần, chúng tôi cố gắng đỡ nạn nhân vào khu vực an toàn", chị Huyền nhớ lại.
Theo chị, khi không được phép vượt rào chắn, nhiều người dân tỏ ra khó chịu, thậm chí lớn tiếng, chửi mắng các nhân viên gác chắn.
Trên một số đoạn hành lang đường sắt, người dân tận dụng trồng rau, cây cảnh.
Để đảm bảoan toàn giao thôngđường bộ - đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 2/2 đã kiến nghị UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Đặc biệt các lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cầnhạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại theo Điều 7, Khoản 2.2, mục a, Quy chế phối hợp số 33/QCPH-BGTVT-UBND ngày 16/8/2013 giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thôngtại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Đời sống
Tin cùng chuyên mục