Giúp con không có nghĩa là “con bày, mẹ dọn”
Khi món ăn thành công, mọi lời khen đều dành cho con gái, coi như tất cả là thành quả của con, bỏ qua khoảnh khắc bà mẹ hì hụi dọn dẹp.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tâm lý mẹ có cực một chút mà con vui, con làm được là mẹ sướng lắm. Ngày một, ngày hai chuyện đó thành quen và con gái sẽ coi chuyện mẹ dọn là bình thường đến mức trở thành quan niệm có người làm ắt có người dọn, rửa. Cô bé sung sướng thấy mình khéo léo, tài năng; tự hào vì được khen mà quên mất những công việc còn lại sau đó. Với cô bé hay cậu bé lúc này, nấu ăn thực sự trở thành một cuộc trình diễn để tự sướng và gây chú ý cho mọi người.
Khi đã bắt đầu làm được kha khá, con có thể sẽ bắt đầu chê và phủ nhận cách nấu ăn hay chế biến của mẹ (điều đó ta chấp nhận được). Nhưng để con coi mẹ như người dọn dẹp, “hốt hụi chót” là không nên; bởi lâu dần sẽ hình thành nơi con thói quen cái gì mình không làm, bỏ đấy là có mẹ làm. Thời hiện đại rồi 4.0, con phải ra khỏi nhà để học hành, làm việc, tụ tập hẹn hò rất nhiều, ít đứa con nào để tâm đến chuyện nhà cửa, nhất là ngôi nhà đó do cha mẹ gầy dựng, bao lâu vẫn có bàn tay mẹ chăm sóc.
Thói quen vô tâm của con phần lớn do cha mẹ. Khi món ăn vừa xong, bạn bè kéo đến, bàn tiệc được bày ra, mẹ giục con thay đồ đẹp lên tiếp khách. Trong vai trò “con cá lau kiếng”, mẹ tiếp tục lui cui sau bếp, dọn tất cả những gì con bừa phứa ra. Trên phòng khách, tiếng cười nói của con và bạn có làm mẹ vui không? Vui chứ, có gì mà trách chúng đâu.
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Ngày xưa, thời mẹ còn trẻ, mỗi khi họp mặt bạn là chúng bạn xúm xít vào, đứa dọn chén, đứa rửa ly, lau bàn, giờ có đứa nào định làm là phụ huynh gạt ngay: “Thôi để đấy cho bác”.
Sự tự nguyện của các bà mẹ chỉ bắt đầu gây hại khi con coi đó là việc đương nhiên của mẹ, thành một lối sống và nếp nghĩ bình thường của con trẻ trong nhiều gia đình.
Con trẻ hôm nay chỉ làm việc chúng thích, từ chối tất cả những việc chúng không thích, cho là không đáng. Mẹ càng cầu toàn, muốn mọi sự hoàn hảo, càng cúi mình làm thay con thì con cái càng ỷ lại.
Tôi thực sự sợ hãi khi con gái lấy chồng. Nghe vợ chồng chúng cãi cọ nhau mới đau lòng và buồn làm sao. “Em đã nấu rồi, anh phải dọn rửa; em đẻ và cho con bú, anh phải dọn tã và tắm rửa cho con”…
Nhiều thứ lặt vặt trong một gia đình khi được phân chia, tưởng là hay, là bình đẳng giới nhưng sẽ là rất tệ nếu bên trong đó là sự ỷ lại, đành hanh. Va chạm, bất mãn cũng từ đấy mà ra, làm sao gia đình êm ấm được.
Tâm lý “kẻ làm, người dọn” trở thành một lối sống chỉ cần xong việc của mình, còn thì mặc kệ người khác, khó coi lắm. Một khi trở thành tính cách, một quan niệm hành xử khi con cái vào đời thì thật không hay.
Làm mẹ nên chậm lại một chút, quan sát con cái kỹ một chút và ngay từ khi con còn nhỏ, phải tập cho con biết tự dọn đồ chơi, tự biết cất dép, cặp sách vào đúng chỗ. Mẹ không nên nhận bất cứ việc dọn dẹp nào thay con khi con bày ra. Con làm ít cũng được, nhưng đã làm đến đâu phải tự dọn đến đó để chúng hiểu, làm việc gì cũng phải dọn dẹp cho ngăn nắp, như vậy mới tính là xong việc.
Công việc dọn dẹp là một khâu quan trọng trong bất kể sự bày biện nào, trong chuyện bếp núc hay các lĩnh vực khác của đời sống.
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Đừng tự biến mình thành người chạy theo con nữa, không xuể đâu, điều đó sẽ làm cuộc sống của mẹ nặng nề và mất vui, quan hệ mẹ con trở nên bực dọc và bức bối. Làm cho con, giúp con không có nghĩa mẹ là người dọn dẹp thay con mà chỉ nên là việc đồng hành, hỗ trợ để từ cơ hội đó mà uốn nắn và hướng dẫn con.
Mai này, khi chúng ta nhắc con về một điều gì đó, nếu con cái trách ngược “sao mẹ thấy mà không làm” thì đó là minh chứng rõ ràng cho sự thất bại trong việc dạy con của ta.
Phi Vũ
con không có nghĩa là
Tin cùng chuyên mục