12/06/2024 08:13

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Trên một diễn đàn mạng xã hội có hơn 90 ngàn thành viên đang xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về chuyện phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản trên đường. Có 3 luồng ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này.

Nhóm ý kiến thứ nhất phản đối bởi đó là hành vi cản trở các phương tiện đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Những người nêu ý kiến này đã viện dẫn các quy định về luật giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật quy định mức phạt tiền lên đến 400.000 đồng đối với hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản, hải sản… trên đường bộ.

“Nhiều nơi bà con cây cối, xô chậu ra làm barie che chắn chỗ phơi lúa. Các bác đi ô tô còn đè lên được chứ em đi xe máy không cẩn thận trơn trượt tai nạn như thường”, một thành viên trong nhóm bức xúc.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Một gia đình mang cả thùng rác ra đường làm "rào chắn" để phơi thóc

Nhóm ý kiến thứ 2 lại cho rằng cần chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, vất vả của người nông dân “một nắng hai sương”. Bởi do quỹ đất ngày càng eo hẹp nên nhiều gia đình ở nông thôn hiện không còn sân vườn, buộc phải phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường nhựa. Những người bảo lưu ý kiến này kêu gọi người điều khiển phương tiện giao thông giảm tốc độ, chú ý quan sát khi đi qua các cung đường phơi thóc, lúa mùa gặt.

“Các bác thông cảm! Phần lớn chúng ta đều gốc gác nông dân cả. Mỗi năm có mấy ngày mùa thôi, người dân tranh thủ gặt không có sợ mưa lũ. Giờ không có chỗ phơi nên họ mới làm vậy”, một thành viên trong nhóm kêu chia sẻ.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Phơi thóc từ đường làng đến tỉnh lộ, quốc lộ

Nhóm ý kiến thứ 3 nhẹ nhàng hơn, khuyên người nông dân nên phơi vào mép đường ở những cung đường ít phương tiện giao thông qua lại.

“Chỗ nhà em cũng phơi lúa ngoài đường nhưng bà con chỉ phơi một bên, phần đường rộng còn lại xe cộ di chuyển thoải mái”, đại diện nhóm ý kiến thứ 3 dẫn chứng.

Sở dĩ có cuộc tranh luận trên là bởi trước đó, một thành viên trong nhóm chuyên về giao thông – ô tô, đăng một bức ảnh cho thấy, toàn bộ một đoạn đường nhựa đã bị người dân trải bạt phơi lúa cả hai chiều trái –phải. Phương tiện giao thông muốn di chuyển, chỉ còn cách cho xe chạy đè lên thóc hoặc lùi xe tìm hướng khác. Chứng kiến hình ảnh trên, một người sử dụng mạng xã hội đã hài hước ví von đây là sa hình học lái xe trên… Sao Hỏa.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Một người sử dụng mạng xã hội đã ví von hình ảnh này là... sa hình học lái xe trên Sao Hỏa

Hình ảnh sau khi đăng tải thu hút gần một ngàn like và hàng trăm comment. Đa số ý kiến đều không đồng tình với việc người dân phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường.

Thực tế cho thấy, hàng năm cứ vào mùa gặt, ở hầu hết các địa phương, tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường để phơi thóc, lúa, nông sản lại tái diễn. Phơi trong đường làng, đường liên thôn bị che khuất bóng cây, thóc khô không đều, nhiều gia đình mang hẳn ra đường lớn, thậm chí chở hàng tấn thóc ra phơi trên quốc lộ. Cùng với đó là rơm, rạ, các loại nông sản đua nhau rải trên mặt đường. Có gia đình còn dựng lán, cắt cử người trông coi phòng trời mưa. Các dụng cụ như cào, bàn gạt, bạt, thúng mủng, quang gánh, gạch đá, thậm chí cả những đoạn tre, luồng được tận dụng để làm hàng rào chắn, chiếm chỗ phơi thóc, lúa trên đường. Một số gia đình đốt rơm rạ ngay tại ruộng, gây khói bụi, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Thóc được đóng thành bao trước khi tràn ra đường

Tại nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, đường nhỏ trong khu dân cư những chiếc máy tuốt lúa chắn ngang đường vào mùa gặt là hình ảnh không hiếm gặp. Phương tiện giao thông, nhất là ô tô muốn di chuyển qua rất khó khăn, phải chờ đợi, gây ức chế… Có trường hợp xảy ra tranh cãi giữa hai bên. Người đi ô tô thì viện dẫn luật giao thông đường bộ còn chủ máy tuốt lúa thì dựa vào… lệ làng. Kiểu đường làng tôi đóng góp xây dựng, tôi thích đặt máy chỗ nào là quyền của tôi dẫn đến xô xát.

Đã xảy ra nhiều trường hợp xe máy phóng nhanh, rẽ gấp khi đi vào vị trí phơi thóc lúa, bánh trơn trượt dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người. Hay trường hợp rơm rạ phơi ngoài đường quấn vào gầm xe ô tô dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Tại nhiều khu dân cư tập trung đông người, nhiều phương tiện qua lại, tình trạng phơi thóc, lúa vẫn ngang nhiên diễn ra

Pháp luật cũng đã quy định rõ đối với hành vi phơi thóc, lúa, nông sản trên đường. Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về: “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phơi lúa trên đường: Đường tôi, tôi cứ phơi

Lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng hiệu quả chưa cao

Quy định pháp luật rõ là vậy nhưng việc xử lý các hành vi trên chưa triệt để, cơ quan chức năng còn nể nang. Các hình thức tuyên truyền, vận động hầu như không có kết quả, hoặc chuyển biến rất chậm. Nhiều địa phương chưa từng xử phạt một trường hợp nào lấn chiếm lòng lề đường phơi thóc lúa, rơm rạ…

Để không tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm sân phơi, nếu việc tuyên truyền, nhắc nhở không hiệu quả, đã đến lúc chính quyền địa phương cần xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, tăng cường răn đe, tránh để tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Quang Duy

Tags:

Phơi lúa trên đường

tai nạn giao thông do phơi lúa trên đường

Tin cùng chuyên mục