Tuyệt chiêu chữa bệnh kỳ diệu của các loài động vật
Khi chúng ta mắc bệnh thì có thể đến gặp bác sĩ để chữa trị, thế nhưng động vật bị bệnh thì phải làm sao? Hóa ra động vật cũng có một bộ phương pháp chữa bệnh kỳ diệu cho riêng mình.
Động vật cũng có một bộ phương pháp chữa bệnh kỳ diệu.(Ảnh qua Adobe Stock)
Có một lần, Khúc Hoán Chương nhìn thấy một vị tiều phu dùng cái rìu sắc bén của mình chém đứt một đoạn đuôi con rắn. Con rắn đau đớn bò nhanh chui vào trong bụi rậm. Khúc Hoán Chương quan sát thấy con rắn bị thương đã cắn đứt một vài lá cây trong bụi cỏ, sau đó nhai nát rồi bôi vào vết thương, ngay lập tức máu đã ngừng chảy! Từ đó, Khúc Hoán Chương đã hái loại lá này và thêm nó vào đơn thuốc để điều trị các tổn thương ngoài da, trở thành ‘Vân Nam bạch dược’ nổi tiếng thế giới.
Mọi người đều biết rằng ‘Tử tô thảo’ (Lá tía tô) có thể giúp giải độc khi bị ngộ độc hải sản, tuy nhiên lại ít người biết rằng đằng sau đó còn có một ‘câu chuyện bí mật’ giữa con rái cá và danh y Hoa Đà. Tương truyền, Hoa Đà đã từng chứng kiến một con rái cá, vì nuốt phải một con cá lớn nên bị chướng bụng, trông hết sức thê thảm, thoi thóp như muốn chết. Sau đó một con rái cá già ‘tốt bụng’ đã hái một loại lá màu tím và cho nó ăn. Không lâu sau, con rái cá bị chướng bụng tưởng chừng như sắp chết lại hồi phục trở lại. Hoa Đà đã hái loại lá đó về nghiên cứu, sau này ‘Tử tô thảo’ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc do ăn hải sản, tất cả đều bình phục.
Có một loại thảo dược điều trị rắn cắn có tên là ‘Bán biên liên’ (Cây lô biên), tên khoa học là Lobelia chinensis. Loại thảo dược này được phát hiện bởi một thầy thuốc trị độc rắn sống tại Trung Quốc. Một ngày nọ, vị thầy thuốc đi ra ngoài khám bệnh, ông đã thấy một con chó bị rắn cắn. Con chó đã chạy rất nhanh vào núi và ăn một loại cỏ mọc trên mặt đất ẩm ướt sau lưng núi. Sau khi ăn, nó không còn xuất hiện triệu chứng trúng độc nữa. Vị thầy thuốc đã thu thập loại cỏ này và nhận ra nó chính là cỏ ‘Bán biên liên’, sau này ông đã sử dụng nó để điều trị rắn cắn, tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có một vị thầy lang, người dân tộc Cáp Ni, đang lúc ông nghỉ ngơi dưới một tán cây lớn thì phát hiện một con rết dài 20 cm, ông liền chém nó thành 2 khúc. Một lát sau lại có một con rết khác bò đến rồi đi vòng quanh con rết bị cắt 2 vòng. Sau đó nó bò vào trong bụi cỏ và kéo ra một cái lá thần kỳ, nó dùng lá cây đậy lên phần bị thương của con rết và bắt đầu nhẹ nhàng nhai. Qua một giờ, con rết bị cắt làm hai bắt đầu cọ quậy vài lần rồi từ từ bò dậy. Vị thầy thuốc đem phần lá cây còn thừa lại mang về nhà. Trong sách ghi chép đây là lá của cây ‘Tiếp cốt thảo’ (Sâm nam), nghĩa là một loại ‘cỏ nối xương’, có tên khoa học là ‘Sambucus javanica’. Ông lên núi để hái một ít về giã nát, sau đó sử dụng chúng để điều trị gãy xương, kết quả chữa đâu khỏi đó.
Có một loại gà rừng gọi là ‘Thổ thụ kê’. Khi gà con bị ướt do dầm mưa và bị cảm lạnh, gà mẹ sẽ cho gà con ăn lá ‘An tức hương’. Sau khi ăn loại lá có vị đắng này, tình trạng của gà con liền dần được cải thiện.
Sau khi một con rắn hổ mang bị một con rắn khác cắn vào đầu, thân thể nó nhanh chóng bị sưng phù, thậm chí còn không thể ngậm miệng lại. Lúc này, con rắn bị thương liều mình uống nước, nuốt liên tục 216 giọt nước bọt trong vòng 14 phút. Sau hai giờ, cái đầu sưng của nó dần biến mất!
Con voi bị thương sẽ ngậm một ít cát có chứa kiềm để khử trùng vết thương, và nếu nó bị bệnh, nó cũng sẽ tìm một số loại cỏ dại và cây thủy sinh để ăn.
Nếu một con thỏ rừng bị viêm ruột, nó sẽ tìm cây ‘Mã liên’ để ăn. Nếu bị thương, nó sẽ sử dụng tơ mạng nhện để cầm máu.
Mèo hoang một khi bị đau dạ dày thì liền nhai cỏ tươi. Còn chó nhà và mèo nhà khi cảm thấy khó chịu, chúng cũng sẽ ra ngoài để tìm cỏ để ăn.
Khi con nai bị tên độc bắn trúng, nó sẽ nhanh chóng tìm thân và lá cây họ đậu để ăn nhằm tự giải độc cho mình. (Ảnh qua Facebook)
Khi một con hải cẩu bị thương, nó sẽ tìm đến một loại tảo có thể chữa bệnh.
Sau khi con nai bị tên độc của thợ săn bắn trúng, nó sẽ nhanh chóng tìm thân và lá cây họ đậu để ăn nhằm tự giải độc cho mình.
Khi bò rừng bị ghẻ, nó sẽ lăn mình trong bùn và để cho khô. Nó sẽ tự chữa bệnh ghẻ mình bằng cách lặp đi lặp lại cách này nhiều lần.
Khi chồn mẹ phát hiện ra chồn con mắc bệnh ngoài da, nó sẽ dẫn con của mình đi ngâm mình trong suối nước nóng để giảm viêm và giải độc cho đến khi lành.
Sau khi một con gấu bị chấn thương, nó sẽ dùng nhựa thông để bôi vết thương đó.
Axit formic có tác dụng trong điều trị viêm khớp và các bệnh về ký sinh trùng. Những con chim sáo sẽ sử dụng đôi cánh của mình để kích thích sự tấn công của bầy mối, nhờ đó mối sẽ phun axit formic về hướng chim sáo.
Những cách ‘tự chẩn đoán và tự điều trị’ này là một bản năng kỳ diệu của động vật.
Tin cùng chuyên mục