Kỳ lạ Hòa Bình: Vạn tấn rác đổ tạm từ rừng sâu đến con đường triệu USD
Khoảng hai năm nay, hàng vạn tấn rác thải sinh hoạt của thành phố Hòa Bình phải chôn tạm hoặc được gửi đi xử lý tại các huyện lân cận. Không chỉ tập kết rác thải tại khu vực rừng trồng tại xã Độc Lập, thành phố Hoà Bình còn có nhiều điểm tập kết rác thải khác trong trung tâm thành phố.
Được biết, trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021 TP Hoà Bình để tồn hơn 200.000 tấn rác chưa được xử lý.
Khi thành phố Hoà Bình mở rộng, sát nhập huyện Kỳ Sơn về thành phố, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có những tuyến đường huyết mạch. Tuy nhiên, những con đường với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng này lại đang sử dụng sai mục đích khi trở thành bãi chứa nghìn tấn rác "bất đắc dĩ".
Minh chứng rõ nhất là thực trạng trên con đường Trương Hán Siêu (phường Tân Hòa, TP Hòa Bình).
Chính quyền thành phố Hòa Bình chặn một đoạn đường Trương Hán Siêu rồi tập kết hàng nghìn tấn rác khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài.
Chặn đường làm bãi chứa rác.
Trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông TP Hòa Bình điểm đầu đường Thịnh Lang sẽ liên thông với đường Trương Hán Siêu tại khu vực hết cầu Hòa Bình (Chợ Tân Thịnh), giao nhau giữa các đường Lê Thánh Tông, Thịnh Lang, Trương Hán Siêu.
Được biết, dự án đường Thịnh Lang do Sở GT-VT làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Dự án đường Trương Hán Siêu giai đoạn 1 do UBND TP làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng đã hoàn thành góp phần quan trọng chỉnh trang diện mạo đô thị và khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường.
Hiện nay, chính quyền TP Hòa Bình đang tập trung đầu tư giai đoạn 2 của dự án đường Trương Hán Siêu trong tương lai sẽ đấu nối với đường Hòa Lạc- Thành phố Hòa Bình.
Đủ các loại rác thải được chất đống tại đường Trương Hán Siêu, cách đó khoảng vài trăm mét là dòng sông Đà.
Con đường được đầu tư hàng chục tỷ đồng thay vì phục vụ việc đi lại của người dân nay được "hô biến" thành bãi chứa rác khổng lồ.
Thế nhưng, gần 2 năm nay, đường Trương Hán Siêu (phường Tân Hoà) đã được dựng barie chặn một nửa đường giáp với sông Đà theo hướng từ Thành phố Hoà Bình đi Mông Hoá để… làm bãi tập kết rác thải sinh hoạt.
Đoạn đường kéo dài gần 1km tập kết thành bãi rác khổng lồ, chạy dài, bên trên được phủ bạt sơ sài. Các phương tiện đi tới khu vực này phải vòng sang nửa đường còn lại, vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ.
Rác thải được đổ thẳng xuống mặt đường, không có lớp lót nền, không có phương án thu gom nước rỉ rác mà xối thẳng xuống hệ thống rãnh thoát nước của đường Trương Hán Siêu.
Một "barie" làm bằng cành cây đặt giữa đường Trương Hán Siêu.Tập kết rác thải trong… khu công nghiệp
Không chỉ chặn đường để chứa rác, thành phố Hoà Bình còn đưa rác thải tập kết trong Khu công nghiệp Mông Hoá, khu đất trống ven đường cao tốc Hà Nội – Hoà Bình tại vị trí xóm Văn Minh (xã Quang Tiến) và khu vực tổ 9, phường Kỳ Sơn.
Tại Khu công nghiệp Mông Hoá, rác thải được đổ thẳng xuống nền đất, không có lớp bạt lót đáy và để lộ thiên toàn bộ. Khoảng chục hố đất được đào sâu với diện tích gần chục m2; một rãnh thoát nước được khoét tạm bợ để làm đường thoát nước rỉ rác xả thẳng ra con mương thoát nước chung của Khu công nghiệp Mông Hoá.
Việc tập kết rác tại Khu công nghiệp Mông Hóa được thực hiện sơ sài, không che chắn, rác lộ thiên giữa cánh đồng bốc mùi hôi thối.
Rác chất đống khiến người dân nhiều lần kêu cứu.
Tại bãi đất trống thuộc xóm Văn Minh, xã Quang Tiến sát với đường cao tốc Hà Nội – Hoà Bình, 2 bãi rác quy mô lên tới hàng ngàn tấn được đậy bạt xanh. Xung quanh, cỏ dại mọc cao lút che kín bãi rác, nếu không có người chỉ dẫn ít ai có thể nhận thấy hai bãi rác đang tồn tại ở đây.
Khu vực tập kết rác thải này cũng không tuân thủ phương án kỹ thuật (có lớp lót đáy, hệ thống thu gom nước rỉ rác để không xả thải ra môi trường…), trực tiếp ngấm xuống lòng đất, đổ ra các khe suối xung quanh.
Điều đáng nói, bãi chứa rác này nằm ngay con suối đổ ra sông Đà, cách Nhà máy nước sạch sông Đà chừng 2km. Về lâu dài, nếu bãi rác không được di dời, ô nhiễm nguồn nước sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Sông Đà – nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân Thủ đô.
Bãi rác khổng lồ nằm ven cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Bãi rác này có vị trí gần với nhà máy nước sạch sông Đà.
Một vài tháng gần đây, khi bãi rác trên đường Trương Hán Siêu quá tải, người dân có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm do rác thải gây ra, Hoà Bình lên phương án di chuyển rác sang điểm chứa trái phép trên đồi Độc Lập, một phần đưa về nhà máy xử lý rác thải tại huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thuỷ với quãng đường lên tới cả trăm km.
Tháng 7/2021, TP Hoà Bình ra văn bản số 2310 với mục đích vận động, tuyên truyền các hộ dân xóm Can, xã Độc Lập để người dân “tạo điều kiện cho xe chở rác đi qua khu vực dân cư”. Đây là các phương tiện trung chuyển rác thải từ các bãi tập kết trên đường Trương Hán Siêu, Khu công nghiệp Mông Hoá, khu đất trống ven đường cao tốc… về khu đồi Độc Lập.
Năm 2021, chính quyền thành phố Hòa Bình cho phép Công ty CP môi trường đô thị Hoàng Long mở đường rồi tập kết rác tại xóm Can (xã Độc Lập). Để được tập kết rác, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu thành phố phải có phương án về việc tập kết rác thải tạm thời.
Diện tích bãi rác tại xóm Can lên đến hơn 1 hecta, tập kết hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt của thành phố Hòa Bình. Sau hơn một năm tập kết, tính đến ngày 13/10, đại diện thành phố cho biết vẫn chưa có phương án tập kết rác như UBND tỉnh yêu cầu.
Với việc “đánh bùn sang ao” không chỉ gây ô nhiễm môi trường, không tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Hoà Bình còn mất thêm nguồn kinh phí lớn cho việc vận chuyển rác thải từ chỗ này sang chỗ khác theo giải pháp tình thế, thay vì có phương án xử lý rác thải tận gốc.
Theo Thành phố Hoà Bình, khối lượng rác thải này khoảng 10.000 tấn. Tuy nhiên, với con số 75 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, dồn tích từ tháng 8/2020 đến nay, khối lượng rác thải nói trên gấp hơn rất nhiều lần.
Sau một thời gian ngắn tập kết rác tại xóm Can, chính quyền tỉnh Hòa Bình ghi nhận sự việc ô nhiễm môi trường khi xảy ra tình trạng "cá chết đồng loạt".
Bãi rác tập kết không được che chắn, lộ thiên giữa rừng.
Suối Noi cách vị trí bãi rác nhiều km đổi sang màu sẫm. Người dân ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn nhiều lần kêu cứu vì bị chịu ảnh hưởng nặng nề do bãi rác gây ra.Đón đọc kỳ 3: Nghìn tấn rác đổ giữa rừng Hoà Bình: Trái quy hoạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Tags:rác thải Hòa Bình
ô nhiễm rác thải
rác thải sinh hoạt Hòa Bình
Tin cùng chuyên mục