13/01/2022 12:55

Mỹ- Nga bế tắc về tương lai mở rộng NATO

Bảy tiếng đàm phán chưa thể giúp Mỹ và Nga khơi thông bế tắc, đặc biệt về tương lai NATO mở rộng hiện diện về phía đông, kết nạp Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei A. Ryabkov, phụ trách đoàn đàm phán của Nga, khẳng định sau cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1 rằng yêu cầu bắt buộc là Ukraine "không bao giờ" được trở thành thành viên của NATO.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhắc lại rằng Washington không bao giờ có thể đưa ra cam kết như vậy bởi "chúng tôi không cho phép bất kỳ ai đóng sập cánh cửa của NATO". Bà thêm rằng Mỹ và đồng minh sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu Nga tìm cách thay đổi biên giới quốc tế bằng vũ lực.

Mỹ

Cuộc họp của hai phái đoàn Mỹ và Nga tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1. Ảnh: NY Times.

Thế bế tắc này đã khiến Ukraine, quốc gia không được mời tham gia cuộc đàm phán, rơi vào tình trạng không chắc chắn, khi cuộc gặp của quan chức Mỹ và Nga chưa thể đưa ra một cam kết liên quan tới động thái Moskva triển khai khoảng 100.000 quân ở biên giới phía tây.

Tuy nhiên, ông Ryabkov khẳng định Nga "không có ý định tấn công Ukraine". Hai bên cũng đưa ra một số đánh giá tích cực. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại sau cuộc họp, bà Sherman nói đã thấy một số lĩnh vực mà hai nước có thể đạt được tiến bộ. Ông Ryabkov mô tả cuộc đàm phán "rất chuyên nghiệp, sâu sắc và cụ thể".

Cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào ngày 12/1 tại Brussels, Bỉ, khi quan chức Nga gặp các đại diện của NATO. Một ngày sau, cuộc họp của Hội đồng An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ được tổ chức tại Vienna, Áo, với sự tham gia của cả Nga, Mỹ và Ukraine.

Ông Ryabkov nói rằng kết quả của các cuộc thảo luận đó sẽ quyết định liệu Nga có sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao hay không. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo nếu phương Tây không đồng ý với yêu cầu NATO ngừng tăng hiện diện ở Đông Âu, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường, khiến an ninh của toàn bộ lục địa gặp nguy hiểm.

Thông điệp hòa giải lẫn đe dọa được Ryabkov đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức Mỹ vẫn rất lo ngại về nguy cơ Nga phát động một chiến dịch quân sự lớn vào Ukraine.

Nhưng lực lượng Nga ở biên giới Ukraine không gia tăng trong những tuần gần đây như nhiều quan chức tình báo Mỹ dự đoán vài tuần trước đó. Điều này báo hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra quyết định cuối cùng, hoặc có thể đang xem xét một phương án khác.

Quan chức Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị mọi kịch bản, từ một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine, hay các xâm nhập quy mô nhỏ, hoặc đòn tấn công mạng làm tê liệt quốc gia này.

"Thứ trưởng Ryabkov cố gắng duy trì một lập trường linh hoạt để Tổng thống Putin có thể đưa ra nhiều lựa chọn", Kadri Liik, chuyên gia về Nga tại Hội đồng Đối ngoại ở Berlin, nói. "Putin sẽ quyết định liệu có nên tiếp tục các cuộc đàm phán với những điều kiện mà Mỹ đưa ra hay không".

Tổng thống Putin ngày càng coi thái độ ủng hộ của phương Tây với Ukraine là mối đe dọa hiện hữu. Ông cho rằng quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô này đang bị biến thành một mặt trận "chống Nga", mà phương Tây có thể sử dụng để tấn công hoặc làm suy yếu đất nước của ông.

Nhưng mục tiêu của Nga không chỉ giới hạn trên lãnh thổ Ukraine. Moskva đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với phương Tây vào tháng trước nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc gặp ở Stockholm, Thụy Điển tháng trước. Ảnh: Reuters.

Quan chức Mỹ ngày 10/1 cho biết họ nhận thấy những cơ hội để làm sâu sắc thêm đàm phán với Nga, như khôi phục Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, mà Mỹ từ bỏ năm 2019, sau nhiều năm cáo buộc Moskva vi phạm.

Trong các cuộc đàm phán ngày 10/1, phía Mỹ đã đưa ra một số ý tưởng xung quanh các địa điểm mà Mỹ và Nga có thể đặt tên lửa.

Hiện tại, Mỹ không có tên lửa tầm trung ở châu Âu, nên rất dễ dàng nhất trí với hiệp ước, theo các chuyên gia. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, họ đã đưa một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Bỉ, Italy, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có thể yêu cầu Mỹ rút những vũ khí hạt nhân đó.

Sherman, từng làm việc trong chính quyền Bill Clinton, Barack Obama và thường đảm trách các cuộc đàm phán khó khăn nhất của Mỹ, nói rõ rằng Washington sẵn sàng thảo luận về "những cách chúng ta có thể đặt ra giới hạn có đi có lại về quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự, cũng như cải thiện tính minh bạch về các cuộc tập trận đó".

Đó sẽ là một cách để cố gắng đưa lực lượng Nga rời khỏi biên giới Ukraine.

"Mỹ cam kết đối thoại có đi có lại với Nga", bà Sherman nói, nhấn mạnh chiến lược của chính quyền Biden là duy trì ngoại giao với Nga để tránh chiến tranh.

Dù không có bất kỳ nhượng bộ nào của Mỹ, các cuộc đàm phán ngày 10/1 vẫn được coi là một chiến thắng với Nga, bởi họ đã đưa việc mở rộng NATO thành vấn đề hàng đầu mà các quan chức Mỹ phải đối mặt.

Nhà phân tích Liik cho biết mức độ nghiêm túc mà Mỹ chuẩn bị cho cuộc đàm phán ngày 10/1, khi gửi một phái đoàn lớn gồm các quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia, điều phối chính sách Nhà Trắng, đã gửi một tín hiệu quan trọng tới Moskva.

"Chúng tôi có cảm giác rằng Mỹ rất coi trọng các đề xuất của Nga và nghiên cứu chúng rất sâu. Bây giờ, mọi thứ đang đi đúng hướng và điều này tự nó có tác dụng chữa lành mối quan hệ của chúng tôi với phương Tây", Ryabkov nói.

Mỹ

Lính Ukraine ở một chiến hào gần Avdiikva, Ukraine tháng trước. Ảnh: NY Times.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói rằng Moskva sẽ quyết định liệu có tiếp tục tiến trình ngoại giao sau các cuộc họp tuần này hay không, đồng thời cảnh báo "những rủi ro liên quan đến khả năng gia tăng đối đầu không thể bị đánh giá thấp".

Ryabkov không nói rõ hậu quả sẽ thế nào nếu Mỹ từ chối yêu cầu của Nga. Ông nhiều lần khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine và "không có lý do gì để lo sợ kịch bản leo thang căng thẳng trong vấn đề này".

Nhưng ông cũng nói rằng động thái gia tăng hoạt động quân sự của phương Tây ở Ukraine và khu vực Biển Đen đã khiến Nga thay đổi động thái quân sự trong khu vực và lo ngại về "những hành động khiêu khích có chủ ý" của Ukraine. Nhiều quan chức phương Tây lo ngại Nga có thể xem đây là cái cớ để thực hiện chiến dịch quân sự.

Nói về hậu quả sẽ xảy ra nếu ngoại giao thất bại, ông Ryabkov nhắc lại lời của Putin rằng phương Tây sẽ phải đối mặt với "biện pháp kỹ thuật quân sự" của Nga. Ông cho biết Nga sẽ không công khai phản ứng cụ thể để tránh nguy cơ tạo ra các mối đe dọa trừng phạt mới, nhưng thêm rằng nó có thể liên quan tới triển khai một số hệ thống vũ khí nhất định.

Khi được hỏi liệu có hy vọng về một giải pháp ngoại giao sau cuộc họp với Nga hay không, Sherman tỏ ra thận trọng.

"Rất khó để các nhà ngoại giao thực hiện công việc nếu bạn không có hy vọng. Vì vậy, tất nhiên tôi có hy vọng", bà nói. "Nhưng điều tôi quan tâm nhiều hơn là kết quả".

Tin cùng chuyên mục