Phó bí thư Lâm Đồng đề xuất 'tiến tới xã hội hóa tiêm vaccine'
Góp ý giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội nói cần quan tâm đến nâng cao năng lực y tế và chủ động nguồn vaccine.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7/1, ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, nêu vấn đề công tác phòng, chống dịch hiện nay phải tính thêm khoản chi mua vaccine, nhất là tới đây có thể nguồn viện trợ sẽ hạn chế hơn trước. Một giải pháp ông Văn đưa ra để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước là "tiến tới xã hội hóa tiêm vaccine và điều trị Covid"; cùng với đó, dần xác định chủ trương xem Covid-19 là một bệnh đặc hữu để cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ (chiều 4/1), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 10/365 lượt đại biểu đã đề nghị nghiên cứu xã hội hóa việc mua vaccine. Ngoài ra, 5 đại biểu đề xuất cho phép doanh nghiệp tìm nguồn, mua vaccine từ chi phí của doanh nghiệp. 6 vị khác yêu cầu rà soát lại các quy định để có cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế, cung cấp thuốc, vaccine, trang thiết bị phòng, chống dịch gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, 13 ý kiến đề nghị ưu tiên hỗ trợ kinh phí để sản xuất vaccine trong nước, bố trí đủ kinh phí mua trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế như thuốc điều trị Covid-19...
Ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ảnh: Media Quốc hội
Tại phiên thảo luận hôm nay, ông Nguyễn Văn Huy, Phó trường đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình, cũng cho rằng để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là "phải sống chung an toàn với dịch Covid-19". Theo đó, chính sách tài khóa cần tập trung vào việc nâng cao hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế để phòng và điều trị Covid-19.
"Sản xuất vaccine trong nước là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh y tế về lâu dài. Do đó, tôi đề nghị cần phải làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine nội đến thời điểm này ra sao, khi nào đủ điều kiện phê duyệt sản xuất, cung ứng để tiêm chủng cho người dân", ông Huy nói.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu quan điểm Việt Nam phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Theo ông, Việt Nam đã phủ vaccine mũi hai và đang tiêm mũi 3, đã có những nước tiêm mũi 4. Do đó, Việt Nam cần có một tỷ lệ nhất định là vaccine sản xuất trong nước, phấn đấu cung cấp từ 30 đến 40% tổng nhu cầu.
Ngoài ra, ông Nhân nêu thực trạng quá tải của ngành y tế khi phải chống chọi với đại dịch Covid-19 suốt thời gian qua, và nhấn mạnh "không thể để tình trạng như vậy kéo dài thêm nữa".
Theo ông, trong 16 tháng từ 1/2020 đến 4/2021, bình quân mỗi tháng cả nước có 188 nhiễm mới và 2,3 người chết. Nhưng trong hơn 8 tháng qua, từ tháng 5/2021 đến nay, bình quân mỗi tháng có 223.000 người nhiễm mới và hơn 4.000 người chết. Trước thực tế này, cùng với nâng cao năng lực phòng chống dịch, các cơ quan cần thay đổi căn bản nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị đặc thù. Hai năm qua, rất ít bệnh viện tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, do đó, Bộ Y tế cần tổ chức tiếp nhận yêu cầu và đấu thầu tập trung. Cùng với đó, Bộ phải triển khai ngay đề án tổ chức lực lượng y tế cơ sở, các đơn vị điều trị vùng, và đổi mới chính sách, chế độ với cán bộ ngành y.
Ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa, cũng nhấn mạnh trước hết ngành Y tế phải quan tâm đến con người và tăng cường cơ sở vật chất có trọng điểm. "Chính phủ dự kiến đầu tư cho hơn 2.100 xã nhưng phải làm rõ là những xã nào, tiêu chí ra sao để lựa chọn, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn", ông nói.
Đại biểu Mai Văn Hải, Phó đoàn Thanh Hóa. Ảnh: Media Quốc hội
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ, thì đề nghị tập trung triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng 9 trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh cấp vùng để nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh các vùng trong cả nước.
Ông Nam đề nghị không giảm biên chế đối với đội ngũ y tế hiện tại mà cần có chính sách phù hợp hơn để họ yên tâm công tác. "Trước đây chúng ta thực hiện chính sách tinh giản biên chế 10%, nhất là những đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành y tế, bao gồm cả y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nay cần có cách tiếp cận khác", ông nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 giữa tháng 6/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm ưu tiên, đạt đến miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Hiện Việt Nam thực hiện chủ trương tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Tháng 5/2021, Chính phủ lập Quỹ vaccine Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine.
Tin cùng chuyên mục